Ngày 20/07 vừa qua, Công ty Cổ phần SAM Nông nghiệp Công nghệ cao (SAM Agritech – đơn vị thành viên của SAM Holdings) đã ký kết mô hình đồng góp vốn với tỉnh Đắk Nông và Cơ quan Hợp tác Liên Chính phủ New Zealand G2G, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm nhằm phát triển lĩnh vực sản xuất quả bơ.
Mô hình hợp tác toàn diện này hứa hẹn sẽ giúp ngành bơ của tỉnh Đắk Nông nói riêng và của Việt Nam nói chung phát triển về cả chất lượng và năng suất, qua đó có thể tiếp cận các thị trường tiềm năng trên thế giới.
Hợp tác ba bên để phát triển bơ toàn diện
Cụ thể, cam kết hỗ trợ kỹ thuật của New Zealand trong vòng 3 năm sẽ tạo nền móng vững chắc, tăng năng suất và chất lượng cho các giống bơ tươi, có giá trị sản xuất cao của tỉnh Đắk Nông, bao gồm cả giống bơ Hass. Mô hình hợp tác mới là một phần của Biên bản ghi nhớ “Thoả thuận hợp tác phát triển quả bơ tại tỉnh Đắk Nông” được ký giữa bốn bên, gồm Cơ quan Hợp tác Liên Chính phủ New Zealand G2G, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm, công ty SAM Agritech và tỉnh Đắk Nông trong chuyến thăm chính thức tới New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 03/2018 vừa qua.
Qua khảo nghiệm thực tế và đánh giá của các nhà khoa học, thì Đắk Nông là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển sản xuất cây bơ. Cụ thể, nhiệt độ trung bình mỗi năm trên 20oC , trong khi đó tổng số giờ nắng khá lớn từ 2.200 – 2.500 giờ/năm. Đắk Nông cũng có thế mạnh về tài nguyên đất phong phú, đặc biệt sở hữu hơn 395.000 ha đất đỏ bazan phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và cây bơ nói riêng. Qua nghiên cứu bước đầu thì các giống bơ trồng tại Đắk Nông đều đạt năng suất, chất lượng cao bậc nhất cả nước.
Tổng lãnh sự New Zealand tại TP.HCM – bà Karlene Davis và CT.HĐQT SAM Agritech – bà Nguyễn Thị Thu Hoài tại lễ hội “Đắk Nông – Mùa bơ chín 2018”
Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand có trình độ chuyên môn cao hàng đầu thế giới, mang đến những giải pháp sáng tạo trong ngành nông nghiệp kỹ thuật cao. Đây cũng chính là đơn vị đã giúp Kenya phát triển thành công cây bơ và xây dựng chuỗi sản phẩm về bơ tại nước này.
Bà Karlene Davis, Tổng Lãnh sự New Zealand tại Việt Nam, chia sẻ: “Giống như Việt Nam, ngành nông nghiệp và thực phẩm đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế New Zealand. Hơn 80% tổng sản phẩm nông nghiệp của New Zealand là dành cho xuất khẩu. Vì vậy, chúng tôi đã phát triển được nền tảng chuyên môn hàng đầu thế giới, và chúng tôi tin rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp tỉnh Đắk Nông phát triển chuỗi giá trị của cây bơ cho riêng mình.”
Trong khi đó, công ty SAM Agritech sở hữu vùng trồng nguyên liệu lớn và nhiều kinh nghiệm về thị trường nội địa Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, CT. HĐQT SAM Agritech, chia sẻ: “SAM Agritech là một công ty chuyên về đầu tư các dự án nông nghiệp bền vững. Công ty đã rất nỗ lực trong việc xây dựng chuỗi giá trị bơ của tỉnh Đắk Nông. Sự hợp tác này là một bước tiến quan trọng để SAM Agritech có thể nâng quy mô đầu tư cũng như dành nguồn lực đầu tư dài hạn phát triển ngành bơ tại Đắk Nông.”
Đưa bơ trở thành cây trồng tỷ đô
Việt Nam sở hữu nhiều giống bơ đa dạng được nhập về từ nhiều nguồn khác nhau trên thị trường. Tuy vậy, hầu hết giống bơ đều không đạt chuẩn và chủ yếu thuộc chủng Tây Ấn Độ vỏ xanh. Loại bơ tại địa phương hiện nay được đánh giá là phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu trong khu vực, nhưng tiềm năng để xuất khẩu sang các thị trường thế giới có giá trị cao là rất thấp. Ngoài ra, trên thế giới, giống bơ Hass mới là giống bơ phổ biến nhất và chiếm tới 80% lượng tiêu thụ bơ trên toàn cầu.
Ông Vũ Tuấn Hoàng – Phó Tổng Giám đốc SAM Agritech trong lễ ký kết hợp tác phát triển Bơ tại Đắk Nông với New Zealand
Ông Vũ Tuấn Hoàng, đại diện SAM Agritech cho biết: “Thị trường bơ rất lớn và tăng trưởng qua từng năm. Năm 2017, giá trị thị trường bơ thế giới là 13 tỷ USD, dự báo năm 2027 đạt 23 tỷ USD. Đối với các nước lân cận, Trung Quốc năm 2017 nhập 32,1 nghìn tấn tăng gấp 1000 lần so với năm 2011 và dự báo 2018 tăng gấp đôi so với 2017. Hàn Quốc năm 2017 nhập 5000 tấn, so với 450 tấn vào năm 2010… Trong khi đó nguồn cung của chúng ta còn chưa đáp ứng hết nhu cầu trong nước. SAM Agritech sẽ giúp Đắk Nông xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, mở đầu bằng nhà máy chế biến dầu bơ, giúp nông dân từ việc cung ứng giống tốt đến quy trình canh tác, chứng nhận cây trồng, đào tạo hướng dẫn và bao tiêu sản phẩm….”
Với sự hỗ trợ của địa phương, doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành, cây bơ được kỳ vọng s4 nhanh chóng trở thành cây trồng doanh thu tỷ đô của Việt Nam và góp phần đưa kinh tế Đắk Nông phát triển đột phá.
(Tổng hợp)